LỘ TRÌNH GIẢM THIỂU PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH VÀ CÁC TIÊU CHUẨN LIÊN QUAN: NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ GHG PROTOCOL, ISO 14064, SBTI

Lộ trình giảm thiểu phát thải khí nhà kính và các tiêu chuẩn liên quan: những điều bạn cần biết về GHG Protocol, ISO 14064, SBTi

“Net- Zero”: Cơ hội và thử thách song hành

Tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa phát thải carbon về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Ngay sau đó, Chính phủ đã có hàng loạt các đề án và kế hoạch hành động để hiện thực hóa cam kết này, như quy định thực hiện kiểm kê khí nhà kính (KNK) bắt buộc với các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn, kế hoạch phát triển thị trường carbon trong nước (xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon, thực hiện triển khai thí điểm đến năm 2027 và chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028), v.v.

Việc chuẩn bị cho lộ trình phát triển bền vững nói chung và Net-zero nói riêng đã nhận được nhiều sự chú ý của các doanh nghiệp gần đây, trong đó có không ít doanh nghiệp đã triển khai từ sớm. Từ góc độ doanh nghiệp, bên cạnh những lợi ích của việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới phát thải ròng bằng 0 như nâng cao danh tiếng của công ty với các bên liên quan, thúc đẩy đổi mới và khả năng cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan tới các vấn đề về biến đổi khí hậu, đảm bảo tăng trưởng bền vững trong tương lai, v.v., quá trình chuyển đổi xanh cũng là một chặng đường dài với nhiều khó khăn và thách thức. Một số thách thức chung có thể kể tới như: chi phí đầu tư lớn, thiếu nguồn nhân lực chuyên môn về giảm phát thải khí nhà kính và net-zero, sự thiếu nhận thức của các bên liên quan, tâm lý ngại thay đổi của doanh nghiệp, v.v. Đặc biệt là vẫn còn nhiều thách thức liên quan tới việc tính toán kiểm kê khí nhà kính – điều quan trọng để đạt mức phát thải ròng bằng 0. Hiện nay kiểm kê khí nhà kính vẫn còn là một lĩnh vực xa lạ với nhiều doanh nghiệp, các phương pháp tính toán kiểm kê được áp dụng chưa thống nhất, các phát thải trong Phạm vi 3 (tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp) hầu như được đo lường chưa đầy đủ, hoặc nếu được đo lường và kiểm kê thì gặp phải vấn đề khó giải trình và bảo vệ kết quả ngay trong doanh nghiệp.

GHG Protocol và ISO 14064

Hai tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính hiện nay là GHG Protocol và series ISO 14064.

GHG Protocol là một bộ công cụ hướng dẫn do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán và quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ. GHG Protocol cũng cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau.

ISO 14064 là một chuỗi các tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) phát triển để giúp các tổ chức định lượng, giám sát, báo cáo và xác minh lượng phát thải khí nhà kính và lượng khí nhà kính đã được loại bỏ. ISO 14064 bao gồm ba phần: phần 1 (hướng dẫn ở cấp tổ chức), phần 2 (hướng dẫn ở cấp dự án) và phần 3 (hướng dẫn yêu cầu và quy trình xác nhận và xác minh). Bộ tiêu chuẩn ISO 14064 tương thích với các tiêu chuẩn ISO khác, chẳng hạn như ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường, v.v. 

Bảng. Tóm tắt sự giống nhau và khác nhau giữa hai tiêu chuẩn GHG Protocol và ISO 14064 

  GHG ProtocolISO 14064
Giống nhau Cả hai phương pháp đều dựa trên các nguyên tắc cơ bản: liên quan, đầy đủ, thống nhất, minh bạch và chính xác.

Cả hai phương pháp đều cùng sử dụng Hệ số tiềm năng nóng lên toàn cầu (GWP) để chuyển các loại khí nhà kính khác nhau thành đơn vị CO2 tương đương.

Ngoài ra, cả hai tiêu chuẩn đều cho phép tính linh hoạt và thích ứng với bối cảnh và mục tiêu cụ thể của từng tổ chức hoặc dự án, đồng thời khuyến khích cải tiến liên tục và sự tham gia của các bên liên quan.
Khác nhauPhân loại các nguồn phát thải ở cấp độ tổ chứcGHG Protocol chia phát thải khí nhà kính làm ba phạm vi: 

Phạm vi 1 (phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát), tương tự như Loại 1 của ISO 14064.

Phạm vi 2 (phát thải gián tiếp từ việc sản xuất các nguồn năng lượng điện, nhiệt, hơi do tổ chức mua và sử dụng), tương tự như Loại 2 của ISO 14064. 

Phạm vi 3 (tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị). Phạm vi 3 của GHG Protocol bao trùm Loại 3,4,5,6 của ISO 14064.
 
Ở cấp độ tổ chức, tiêu chuẩn ISO 14064-1 phân loại phát thải khí nhà kính thành sáu loại: 

Loại 1- Phát thải và loại bỏ KNK trực tiếp 

Loại 2 – Phát thải KNK gián tiếp từ năng lượng nhập khẩu 

Loại 3 – Phát thải KNK gián tiếp từ giao thông vận tải 

Loại 4 – Phát thải KNK gián tiếp từ các sản phẩm được tổ chức sử dụng 

Loại 5 – Phát thải KNK gián tiếp liên quan đến việc sử dụng sản phẩm của tổ chức 

Loại 6 – Phát thải KNK gián tiếp từ các nguồn khác.
Phạm vi và áp dụngGHG Protocol tương đối toàn diện và chi tiết hơn, bao trùm nhiều lĩnh vực và hoạt động hơn, đồng thời cung cấp thêm hướng dẫn và công cụ để tính toán và quản lý KNK.ISO 14064 tổng quát và ngắn gọn hơn, tập trung vào các yêu cầu và thông số kỹ thuật để định lượng, giám sát, báo cáo và xác minh KNK, đồng thời có nhiều không gian hơn cho việc giải thích và điều chỉnh.
Sự chấp nhậnGHG Protocol được sử dụng và tham khảo rộng rãi hơn bởi các chương trình, sáng kiến và nền tảng báo cáo tự nguyện và bắt buộc, chẳng hạn như Dự án Công bố Carbon (CDP), Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) và Sáng kiến Mục tiêu dựa trên Khoa học (SBTi).ISO 14064 được các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước công nhận và chấp nhận nhiều hơn, chẳng hạn như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Cơ chế phát triển sạch (CDM) và Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS).

Mặc dù GHG Protocol và ISO 14064 có thể khác nhau về cách tiếp cận và phân loại phát thải nhưng cả hai đều cung cấp các khuôn khổ hữu ích cho việc tính toán, kiểm kê khí nhà kính. Để có thể lựa chọn tiêu chuẩn để tính toán và quản lý khí nhà kính, cần xem xét một số yếu tố như mục đích, phạm vi, đối tượng, và nguồn lực. Cả hai tiêu chuẩn đều tương thích và bổ sung cho nhau; các công ty và tổ chức có thể sử dụng GHG Protocol để xác định và tính toán lượng phát thải khí nhà kính, sau đó sử dụng ISO 14064 để báo cáo và xác minh.

Sáng kiến Mục tiêu dựa trên Khoa học (SBTi) – lộ trình hướng tới mục tiêu Net-zero

Sáng kiến Mục tiêu dựa trên Khoa học (SBTi) hiện nay đang trở thành tiêu chuẩn vàng cho các công ty nghiêm túc trong việc phát triển một lộ trình giảm phát thải rõ ràng. SBTi là kết quả hợp tác giữa Dự án Công bố Carbon CDP, Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc (UNGC), Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF). Các Mục tiêu dựa trên Cơ sở Khoa học (SBTi) giúp đưa ra các mục tiêu rõ ràng và cụ thể cho các công ty và tổ chức cần giảm lượng phát thải khí nhà kính bao nhiêu và nhanh như thế nào để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đối với xã hội, kinh tế và hành tinh. Các mục tiêu này được đưa ra 'dựa trên khoa học', phù hợp với việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1.5°C– 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này đòi hỏi các hành động ngắn hạn và các chiến lược dài hạn để giảm một nửa lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nói một cách đơn giản hơn, SBTi đóng vai trò là cây cầu nối Thỏa thuận Khí hậu Paris với các biện pháp hữu hình giúp kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu, cũng là một kênh chính để các doanh nghiệp đi đầu cam kết biến ý định thành hành động thực tế.

Tính đến tháng 10 năm 2023, 6326 doanh nghiệp đã tiên phong hướng tới một tương lai bền vững bằng việc cam kết các mục tiêu giảm phát thải với sự hướng dẫn của SBTi. Trong đó, SBTi đã phê duyệt 3611 mục tiêu trong số này, với nhiều cái tên của các tập đoàn lớn như Adidas, AirFrance, Apple, PepsiCo, LVMH, Nike, Nestlé, v.v.

Dịch vụ về kiểm kê khí nhà kính và SBTi của Bureau Veritas

Tại Bureau Veritas, chúng tôi cung cấp kiến thức chuyên môn của mình để giúp các công ty thực hiện kiểm kê khí nhà kính cũng như xác lập mục tiêu SBTi phù hợp với chiến lược chuyển đổi xanh của họ. Chúng tôi làm việc với khách hàng từ giai đoạn nộp thư cam kết cho tới khi mục tiêu của họ được xác nhận bởi SBTi, đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn tiếp theo để báo cáo tiến độ hàng năm. Các dịch vụ cụ thể bao gồm:

  • Kiểm toán và tư vấn năng lượng: Đo lường, thu thập và phân tích dữ liệu về năng lượng tiêu thụ, xác định mức độ tiêu thụ năng lượng và hiệu quả quy trình sản xuất, xác định nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng cao, đề xuất các hành động cải tiến, khắc phục,…
  • Kiểm kê khí nhà kính: Cung cấp các dịch vụ đào tạo; Xác định các nguồn phát thải, thu thập dữ liệu và tính toán kiểm kê khí nhà kính; Xác minh kết quả tính toán.
  • Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập mục tiêu SBTi: Nộp thư cam kết; Xác lập lộ trình để đạt mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong dài hạn, đề xuất các phương án, chiến lược để đạt được mục tiêu; Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phê duyệt mục tiêu.

Bảng. Mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn phát thải ròng bằng 0 của SBTi

  Phạm vi 1 và 2Phạm vi 3
Mục tiêu ngắn hạnRanh giới mục tiêuBao gồm 95% của phạm vi 1 & 2Nếu phạm vi 3 nhiều hơn 40% tổng lượng phát thải: mục tiêu cần bao gồm tối thiểu 67% của phạm vi 3
Năm mục tiêu5-10 năm kể từ ngày nộp hồ sơ 5-10 năm kể từ ngày nộp hồ sơ
Nhiệt độ mục tiêu1.5°C Dưới 2°C
Mục tiêu dài hạn và phát thải ròng bằng 0Ranh giới mục tiêuBao gồm 95% của phạm vi 1 & 2Bao gồm 90% của phạm vi 3
Năm mục tiêu2050 hoặc sớm hơn2050 hoặc sớm hơn
Nhiệt độ mục tiêu1.5°C 1.5°C 

(Trên đây là lộ trình và mục tiêu đối với các doanh nghiệp thông thường. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một lộ trình khác sẽ được áp dụng)

Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với bạn để tạo ra một tương lai bền vững hơn cho mọi người.