Bureau Veritas tham gia diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam"
Oct. 24 2024
Ngày 17/10 vừa qua, bà Phạm Thị Hồng Hiệp – Giám đốc Công nghiệp, Bureau Veritas Việt Nam đã tham gia diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” và chia sẻ những góc nhìn chuyên sâu về xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh.
Trong những năm gần đây, xu hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường là trọng tâm chính sách phát triển năng lượng của nhiều quốc gia và sẽ định hình lại mối quan hệ cung - cầu năng lượng trên thế giới. Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, năm 2024, năng lượng tái tạo sẽ đạt tỷ trọng khoảng 30% tổng cơ cấu sản xuất điện toàn cầu. Về cơ cấu nguồn điện, hiện nay tỷ trọng nguồn điện toàn cầu ước tính như sau: điện than 36,6%, điện dầu 2,8%, điện hạt nhân 10,7%, điện khí 23,5% và điện từ nguồn năng lượng tái tạo 26,4%. Nghiên cứu của IEA chỉ ra rằng, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn điện chính, đóng góp một phần ba tổng sản lượng điện trên thế giới.
Hình ảnh: Các đại biểu tại diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam"
Cũng như sự chuyển đổi năng lượng trong những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, sự chuyển đổi năng lượng tái tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dẫn tới sự biến đổi sâu sắc của nền kinh tế toàn cầu. Chuyển đổi năng lượng tái tạo cũng ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại dòng chảy thương mại quốc tế. Là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiêp đã triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero như: PVN, Petrolimex, Vinfast, Vinamilk, TH True Milk,…
Hình ảnh: Bà Phạm Thị Hồng Hiệp – Giám đốc Công nghiệp, Bureau Veritas Việt Nam tại sự kiện
Bà Hiệp cho biết, khi nói đến năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vẫn còn khá mới với thị trường Việt Nam. Do vậy, các chính sách, cơ chế, quy định, tiêu chuẩn vẫn còn những rào cản. Đây là điểm nghẽn với chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Theo bà, với các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện có khoảng 30-40% các doanh nghiệp đang quan tâm thực hiện giảm phát thải. Nhưng các doanh nghiệp cần làm rất nhiều để giảm phát thải, ngay từ vấn đề năng lượng, điện lưới là chung nên doanh nghiệp phải tự vận động, tự chuyển đổi rất nhiều.
Khuyến nghị giải pháp để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam giảm phát thải, bà Hiệp khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về chuyển dịch năng lượng, phát triển nhân lực, kiểm kê phát thải và xây dựng hệ thống quản lý môi trường.
“Đặc biệt chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, áp dụng công nghệ sản xuất giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, quản lý chất thải, sử dụng nguyên liệu bền vững và nguyên liệu tái chế”, bà Hiệp khuyến nghị.
Cụ thể đề xuất với doanh nghiệp lĩnh vực dệt may và thuỷ sản, bà Hiệp cho rằng các doanh nghiệp dệt may cần sử dụng năng lượng mặt trời, đầu tư công nghệ nhuộm ít nước, chứng nhận các tiêu chuẩn xanh quốc tế như GOTS, OEKO-TEX và sử dụng nguyên liệu tái chế, hữu cơ.
Đối với ngành thuỷ sản, doanh nghiệp cần nuôi trồng thuỷ sản bền vững ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước, giảm thiểu sử dụng kháng sinh, hoá chất và chứng nhận ASC, MSC.
Với vai trò là đơn vị tư vấn hàng đầu về kiểm nghiệm, giám định và chứng nhận, Bureau Veritas đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Công ty đã và đang tích cực tham gia vào những dự án về năng lượng tái tạo, đảm bảo dự án đạt chuẩn và tuân thủ các quy định quốc tế. Điều này hoàn toàn tương đồng với định hướng của tập đoàn về một tương lai bền vững và ổn định khí hậu trên toàn cầu.