Gluten

News

NHÃN CHỨNG NHẬN KHÔNG CHỨA GLUTEN (GLUTEN-FREE LABELLING)

Jun. 9 2021

Gluten là gì và vì sao cần ghi nhãn không chứa Gluten?

Gluten là một hỗn hợp các protein xuất hiện tự nhiên trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và các giống lai của những loại ngũ cốc này. Gluten từ các nguyên liệu này là nguyên nhân gây ra chứng không dung nạp ở người (celiac). Ở những người bị bệnh celiac, thực phẩm có chứa gluten sẽ kích hoạt sản xuất các kháng thể tấn công và làm hỏng lớp niêm mạc của ruột non. Những tổn thương như vậy hạn chế khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của những người bị bệnh celiac và khiến họ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng khác, bao gồm thiếu hụt dinh dưỡng, loãng xương, chậm lớn, vô sinh, sẩy thai và ung thư đường ruột.

Vào ngày 2/8/2013, FDA đã ban hành quy tắc cuối cùng xác định “không chứa gluten” cho việc ghi nhãn thực phẩm ngũ cốc. Tiếp theo vào ngày 12/8/2020, FDA đã ban hành quy tắc cuối cùng về việc ghi nhãn không chứa gluten đối với thực phẩm lên men hoặc thủy phân (sữa chua, dưa bắp cải, dưa chua, pho mát, ô liu xanh, rượu và bia). Như vậy, vấn đề kiểm soát gluten và ghi nhãn “Gluten-free” là một trong những yêu cầu pháp luật quan trọng.

FSANZ (cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Úc và New Zealand) cũng đã đưa ra những yêu cầu về ghi nhãn thực phẩm. Vì gluten được coi là một chất gây dị ứng, FSANZ yêu cầu các loại ngũ cốc có chứa gluten phải được công bố trên nhãn sản phẩm để những người bị bệnh Celiac và dị ứng với ngũ cốc có thể xác định các sản phẩm này.

Ngoài ra, chính phủ Canada cũng đưa ra các quy định về ghi nhãn thực phẩm ban hành vào 12/2016 trong đó tại điều khoản B.01.008.2 có yêu cầu mô tả danh sách thành phần gồm gluten & điều khoản B.01.010.1 yêu cầu về các công bố về nguồn của gluten.

Các nước tại Châu Âu cũng đưa các quy định về ghi nhãn “Gluten-free” và việc kiểm soát các thành phần thực phẩm phù hợp cho người không dung nạp gluten đã được Châu Âu đưa vào luật từ khá sớm (quy định của ủy ban EC số 41/2009). Sau đó, quy định Thực thi của Ủy ban (EU) số 828/2014 đưa ra các yêu cầu hài hòa đối với việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về việc không có hoặc giảm sự hiện diện của gluten trong thực phẩm. Cụ thể hơn, luật này đưa ra các điều kiện mà theo đó thực phẩm có thể được dán nhãn là "không chứa gluten" hoặc "rất ít gluten".

Như vậy, sản phẩm “Gluten-free” là một trong những xu hướng tiêu dùng được quy định bởi luật. Việc áp dụng các chương trình chứng nhận “Gluten-free”cũng trở nên cấp thiết để đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm, tăng uy tín và hình ảnh của công ty, mở rộng thị trường, gia tăng mức độ tin cậy và sự công nhận của sản phẩm, tăng niềm tin cho người tiêu dùng.  

Gluten- Free Certification Program Global Standard (issue 3)

Chương trình chứng nhận Gluten Free (GFCP) theo BRCGS đã cập nhật phiên bản 3 vào ngày 15/2/2019 nhằm đảm bảo tính xác thực cho các sản phẩm “Gluten-free”.

Các nội dung chính được chương trình chứng nhận không chứa Gluten (Gluten-free certification) đề cập trong phiên bản 3 bao gồm các nội dung sau:

-  Cam kết của lãnh đạo cao nhất

-  Chương trình tiên quyết

-  Các biện pháp kiểm soát gluten:

  • Đào tạo nhận thức về gluten
  • Phát triển sản phẩm
  • Phê duyệt nhà cung cấp, mua hàng, nguyên liệu đầu vào và các đầu vào
  • Phê duyệt và kiểm soát nhãn
  • Các công bố về marketing
  • Tiêu chuẩn thành phẩm
  • Kiểm soát sự nhiễm bẩn
  • Sản phẩm dỡ dang
  • Cô lập và loại bỏ vật liệu lỗi thời và chất thải
  • Phòng thí nghiệm & thử nghiệm
  • Xử lý khiếu nại khách hàng
  • Thu hồi

-  Nguyên tắc HACCP

-  Hồ sơ

-  Kiểm soát tài liệu

-  Thẩm định

-  Duy trì và đánh giá lại GFMS

-  Đánh giá nội bộ

Vui lòng liên hệ với Bureau Veritas để tìm hiểu thêm các dịch vụ của chúng tôi liên quan đến chương trình chứng nhận Gluten-free, hoặc tham khảo thêm thông tin về các chương trình chứng nhận khác có liên quan của chúng tôi tại https://www.bureauveritas.vn/ghi-nhan-chung-nhan-thuc-pham-gmo-free-gluten-free-halal-va-gay-di-ung