ĐÁNH GIÁ AN TOÀN KẾT CẤU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG - THỰC TRẠNG & GIẢI PHÁP

News

Hỏi & đáp

Kiến thức về:

Đánh giá

an toàn kết cấu

công trình

xây dựng

Thực trạng &

giải pháp

Tháng 5. 23 2023

Nội dung Câu hỏi & Câu trả lời trong buổi hội thảo online “ĐÁNH GIÁ AN TOÀN KẾT CẤU CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG - THỰC TRẠNG & GIẢI PHÁP” tổ chức ngày 22/04/2023.

Câu hỏi 1: Chiến cần tư vấn, đánh giá kết cấu sàn bê tông cũ để lắp thêm tải mới.

Trả lời: Để trả lời câu hỏi này tổng quát nhất, tôi giả thiết Bạn ở vai trò Chủ đầu tư. Để thực hiện việc cải tạo này cần đảm bảo yêu cầu pháp lý và yêu cầu kỹ thuật:

- Về yêu cầu pháp lý, công việc cải tạo này không thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14. Nên bạn phải thực hiện thủ tục xin cấp phép theo quy định.

- Về yêu cầu kỹ thuật cần phải thực hiện 2 bước:

  • Bước 1. Lập hồ sơ kết cấu hiện trạng (nếu có bản vẽ hoàn công thì sử dụng bản vẽ hoàn công làm hồ sơ hiện trạng với lưu ý hồ sơ hoàn công phải chứa đựng đủ thông tin để tính toán được khả năng chịu lực của kết cấu; nếu không có bản vẽ hoàn công thì phải thuê đơn vị kiểm định xây dựng)
  • Bước 2. Lập hồ sơ thiết kế cải tạo (thiết kế gia cố sàn cũ (nếu có) và khu vực điều chỉnh tăng tải).

Khi gia tăng tải thì có thể là khả năng chịu lực của sàn không đủ, trong những tình huống như vậy, chúng ta cần phải tiến hành gia cố kết cấu sàn.

Tùy theo điều kiện thi công, điều kiện sử dụng và điều kiện kinh tế sẽ áp dụng các biện pháp gia cố sau đây: Tăng chiều dày sàn, Dán tấm sợi các bon cường độ cao (carbon fiber - CFRP) hoặc Dán thép tấm hoặc bổ sung thêm dầm, cột để chia nhỏ ô sàn.

Câu hỏi 2: Công trình nhà xưởng sản xuất hoạt động bao lâu thì phải kiểm định? Quy định ở văn bản nào, xin cảm ơn.

Trả lời: Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về tần suất kiểm định nhà xưởng sản xuất. Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì việc kiểm định xây dựng nhà xưởng đang hoạt động được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Khi công trình hết tuổi thọ thiết kế mà chủ sở hữu công trình có nhu cầu tiếp tục sử dụng;
  • Khi công trình đang khai thác, sử dụng có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn;
  • Kiểm định xây dựng công trình phục vụ công tác bảo trì.

Tuy nhiên, hiện nay có quy định rất cụ thể đối với việc đánh giá an toàn công trình, cụ thể, theo Khoản 3 Điều 17 Thông tư 10/2021/TT-BXD, quy định thời điểm và tần suất đánh giá an toàn công trình như sau:

  • Thời điểm đánh giá an toàn công trình lần đầu được thực hiện sau thời gian 10 năm kể từ khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật;
  • Đối với lần đánh giá tiếp theo, việc đánh giá an toàn công trình được thực hiện theo tần suất 05 năm/Iần.

Câu hỏi 3: Các quy định mới trong QCVN 06:2021 và các yêu cầu an toàn kết cấu cho công trình hiện có.

Trả lời: QCVN 06:2021 đã hết hiệu lực kể từ ngày 16/01/2023 và được thay thế bằng QCVN 06:2022, do vậy BV xin cung cấp một số quy định mới trong QCVN 06:2022 so với QCVN 06:2021 như sau:

  • Bổ sung phạm vi điều chỉnh bao gồm khoang cháy nằm trong nhà; xác định bậc chịu lửa của nhà, khoang cháy; giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất, giới hạn chịu lửa của tường ngăn cháy và vách ngăn cháy;
  • Quy định việc bố trí lối ra thoát nạn đối với nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải bảo đảm tất cả những yêu cầu sau: có không ít hơn hai lối ra thoát nạn; cho phép có một lối ra thoát nạn khi thỏa mãn các điều kiện về diện tích tầng, hệ thống chữa cháy tự động, số người tối đa và lối ra khẩn cấp;
  • Thay đổi nội dung trong phụ lục F – Giới hạn chịu lửa danh định của một số cấu kiện.
  • Thay đổi nội dung Chương 5 Cấp nước chữa cháy.
  • Thay đổi một số nội dung về lối thoát nạn, đường thoát nạn, cầu thang thoát nạn.

Về các yêu cầu an toàn kết cấu cho công trình hiện hữu là những yêu cầu quy định đánh giá an toàn kết cấu chịu lực và an toàn công trình xây dựng như sau:

  • Theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình định kỳ. Đánh giá an toàn công trình là hoạt động xem xét, đánh giá định kỳ khả năng chịu lực và các điều kiện để công trình được khai thác, sử dụng an toàn;
  • Đối với công trình được đưa vào khai thác, sử dụng trên 8 năm kể từ ngày 15/10/2021, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình lần đầu trong thời gian không quá 24 tháng kể từ ngày 15/10/20212. Sau đó, tần suất đánh giá an toàn công trình sẽ thực hiện 5 năm/lần;
  • Ngoài ra, các công trình xây dựng còn phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Câu hỏi 4: Công tác an toàn lao động tại công trình.

Trả lời: An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng – chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm đảm bảo không làm suy giảm sức khoẻ, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mát tài sản trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng cần được thực hiện dựa trên những điều sau đây:

  1. Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động.
  2. Tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động theo quy định và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.
  • Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định các nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan;
  • Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về quản lý nhà nước, quản lý rủi ro, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;
  • Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn lao động và quan trắc môi trường lao động;
  • Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Nghị định 44/2016/NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành;
  • Thông tư 16/2021/TT-BXD ban hành QCVN 18:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong thi công xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

Câu hỏi 5: Nội dung các yêu cầu chi tiết để Đánh giá an toàn kết cấu công trình xây dựng qua các giai đoạn thiết kế: Thiết kế cơ sở, Thiết kế ký thuật và Thiết kế bản vẽ thi công.

Trả lời: Việc đánh giá an toàn kết cấu công trình trong các giai đoạn thiết kế được thể hiện qua việc thẩm tra, thẩm định thiết kế.

Trong giai đoạn thiết kế cơ sở, yêu cầu đảm bảo an toàn kết cấu công trình được thể hiện qua các nội dung sau đây:

  • Về sự phù hợp của quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng;
  • Chất lượng hồ sơ khảo sát theo yêu cầu của quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng và năng lực của đơn vị khảo sát;
  • Chất lượng hồ sơ thiết kế cơ sở theo yêu cầu của quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng và năng lực của đơn vị lập dự án;
  • Sự đáp ứng yêu cầu của thiết kế xây dựng với nhiệm vụ thiết kế;
  • Sự phù hợp của giải pháp thiết kế cơ sở về bảo đảm an toàn xây dựng; việc thực hiện các yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ.

Trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, yêu cầu đảm bảo an toàn kết cấu công trình được thể hiện qua các nội dung sau:

  • Sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với thiết kế cơ sở được phê duyệt;
  • Quy cách và tính hợp lệ của hồ sơ thiết kế kỹ thuật;
  • Sự tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng;
  • Sự tuân thủ việc sử dụng vật liệu cho công trình theo quy định của pháp luật;
  • Sự phù hợp của từng giải pháp thiết kế với công năng sử dụng công trình;
  • Khả năng chịu lực của kết cấu công trình, giải pháp thiết kế bảo đảm an toàn cho công trình lân cận;
  • Sự tuân thủ các quy định về phòng, chống cháy, nổ.

Trong giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công (đối vời trường hợp thiết kế 3 bước), yêu cầu đảm bảo an toàn kết cấu công trình được thể hiện qua các nội dung sau:

  • Sự phù hợp của thiết kế bản vẽ thi công với thiết kế kỹ thuật được phê duyệt;
  • Quy cách và tính hợp lệ của hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công;
  • Đảm bảo rõ ràng, minh bạch cho việc gia công, lắp đặt;
  • Biện pháp thi công được thẩm tra và đảm bảo an toàn xây dựng.

Câu hỏi 6: Hiện nay các vấn đề thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC đang rất nóng bỏng, với tư cách 1 chủ đầu tư dự án - chúng tôi đang triển khai xây dựng dự án với thiết kế kết cấu thép là kết cấu chính cho tòa nhà. Các anh chị chuyên gia có thể tư vấn cho chúng tôi hướng đi có thể vượt qua vấn đề này để có thể đưa dự án vào sử dụng? Xin cảm ơn!

Trả lời: Theo BV thì vướng mắc về PCCC đối với kết cấu thép hiện nay là nội dung quy định tại Mục 5 Phụ lục VII Nghị định số 136/2020/NĐ-CP về danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc diện kiểm định là mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy, do vậy việc sử dụng giấy kiểm định của sơn chống cháy không thay thế được giấy kiểm định mẫu kết cấu sơn chống cháy.

Khi thiết kế kết cấu thép là kết cấu chính cho tòa nhà thì nên có các giải pháp như sau:

  • Thực hiện các giải pháp thiết kế có thể xác định hoặc tính toán được giới hạn chịu lửa của kết cấu cột theo mục F.5 phụ lục F của QCVN 06:2022;
  • Giảm bậc chịu lửa của công trình ở mức độ nhỏ nhất có thể, ví dụ như chia nhỏ không gian công trình;
  • Đối với kết cấu mái không có tầng áp mái, nên lựa chọn bậc chịu lửa cấp II cho công trình và thiết kế dầm thép có hệ số tiết diện Am/V nhỏ hơn hoặc bằng 250 m-1.
  • Sử dụng biện pháp giảm hệ số tiết diện Am/V cho xà gồ bằng giải pháp tăng khả năng tự chịu tải của tôn mái hoặc thay đổi cấu tạo xà gồ đỡ mái.

Câu hỏi 7: Tôi mong muốn được hướng dẫn cách tính toán hoặc đưa ra yêu cầu về tải trọng tấn/m2 và hệ số an toàn cho tầng trệt và các các tầng phía trên sử dụng cho việc lắp đặt máy móc thiết bị sản xuất, kho với các dãy kệ chứa pallet hàng hóa, đường cho xe nâng... Cám ơn.

Trả lời: Việc xác định tải trọng và hệ số an toàn cho việc lắp đặt thiết bị sản xuất, kho pallet hàng hóa, xe nâng sẽ phụ thuộc vào tải trọng thiết bị và mức độ quan trọng của công trình. Các bước thực hiện như sau:

  1. Bước 1: Xác định các loại tải trọng tác dụng lên kết cấu nhà máy, bao gồm tải trọng thường xuyên (tĩnh tải) và tải trọng tạm thời (hoạt tải). Tải trọng thường xuyên bao gồm trọng lượng bản thân của kết cấu, thiết bị sản xuất, vật liệu xây dựng, vách ngăn, … Tải trọng tạm thời bao gồm trọng lượng của người lao động, hàng hoá, xe nâng hàng, gió, động đất, …
  2. Bước 2: Tính toán giá trị của các loại tải trọng theo các công thức và tiêu chuẩn quy định. Bạn có thể tham khảo TCVN 2737:1995 về tải trọng và tác động áp dụng cho công trình dân dụng và công trình công nghiệp để tra các giá trị tiêu chuẩn của các loại tải trọng. Bạn cũng có thể lập bảng tính cho từng lớp cấu tạo của kết cấu để xác định giá trị của tĩnh tải.
  3. Bước 3: Lựa chọn các hệ số an toàn cho từng loại tải trọng để tính toán sức chịu tải của kết cấu. Hệ số an toàn là hệ số nhân với giá trị tiêu chuẩn của tải trọng để tính ra giá trị tính toán của tải trọng. Hệ số an toàn phụ thuộc vào mức độ quan trọng của công trình, tính chất của kết cấu và loại tải trọng.

Câu hỏi 8: Khi nào cần thực hiện đánh giá an toàn kết cấu (thép)? Công trình có dấu hiệu nguy hiểm (cột, kèo nghiêng vượt tiêu chuẩn) có bắt buộc thực hiện đánh giá an toàn trước khi tiến hành sửa chữa? Sau khi sửa chữa có cần đánh giá an toàn trước khi đưa vào sử dụng?

Trả lời:

- Đánh giá an toàn kết cấu là một nội dung trong việc đánh giá an toàn công trình (Quy định tại điều 37 Nghị định 06/2021/NĐ-CP) và cũng là một phần nội dung trong kiểm định xây dựng (Khoản 3 Điều 5 Nghị định 06/2021/NĐ-CP).

Việc đánh giá an toàn kết cấu thép sẽ được thực hiện. Do vậy, việc đánh giá an toàn kết cấu được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Phục vụ công tác bảo trì;
  • Khi công trình đang khai thác, sử dụng có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn;
  • Khi công trình hết tuổi thọ thiết kế mà chủ sở hữu công trình có nhu cầu tiếp tục sử dụng;
  • Theo tần suất đánh giá an toàn công trình (quy định tại Điều 17 Thông tư 10/2021/TT-BXD: a)Thời điểm đánh giá an toàn công trình lần đầu được thực hiện sau thời gian 10 năm kể từ khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật; b) Đối với lần đánh giá tiếp theo, việc đánh giá an toàn công trình được thực hiện theo tần suất 05 năm/lần

- Công trình có dấu hiệu nguy hiểm (cột, kèo nghiêng vượt tiêu chuẩn) bắt buộc phải đánh giá an toàn công trình (Quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 06/2021/NĐ-CP) và các nội dung khác quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 06/2021/NĐ-CP về nội dung kiểm định công trình, trước khi tiến hành sửa chữa.

- Sau khi sửa chữa, trước khi đưa vào sử dụng thì việc đánh giá an toàn sẽ phụ thuộc vào việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thì sẽ phải thực hiện (Quy định tại Điều 11 Nghị định 06/2021/NĐ-CP).

Câu hỏi 9: Cần hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến các sự cố công trình.

Trả lời: Sự cố công trình xây dựng là một trong những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng của các công trình, gây thiệt hại về người và của, ảnh hưởng đến môi trường và uy tín của các đơn vị thi công. Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam đã xảy ra 1.037 sự cố công trình xây dựng, làm 179 người chết, 342 người bị thương và 1.000 tỷ đồng thiệt hại. Các sự cố công trình xây dựng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… và phần lớn là các công trình nhà cao tầng, cầu đường, hầm chui… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các sự cố công trình, bao gồm:

  • Nguyên nhân do khảo sát, thiết kế: Không có chứng chỉ khảo sát, thiết kế hoặc vượt cấp chứng chỉ; Chất lượng khảo sát không đạt yêu cầu; Tính toán thiết kế sai, không phù hợp; Bố trí lựa chọn, địa điểm, lựa chọn phương án quy trình công nghệ, quy trình sử dụng không hợp lý phải bổ sung, sửa đổi, thay thế;
  • Nguyên nhân do thi công: Năng lực nhà thầu thi công không phù hợp, nhà thầu không có hệ thống quản lý chất lượng, trình độ năng lực đạo đức nghề nghiệp của tư vấn giám sát và nhà thầu kém; Sử dụng vật liệu và chế phẩm xây dựng không phù hợp yêu cầu của thiết kế; Áp dụng công nghệ thi công mới không phù hợp, không tính toán đầy đủ các điều kiện sử dụng; Biện pháp thi công không được quan tâm đúng mức dẫn đến sai phạm, sự cố;
  • Nguyên nhân do quy trình bảo trì, vận hành, sử dụng: Không thực hiện bảo trì theo quy định (tắc ống thoát nước trên mái, chống gỉ kết cấu thép, theo dõi độ lún…); Sử dụng vượt tải (chất tải trên sàn, cầu vượt khả năng chịu lực,…);
  • Nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết: Gió mạnh, mưa lớn, bão lũ, động đất… có thể gây ra các tác động bất ngờ và khó kiểm soát lên các công trình.
  • Theo một nghiên cứu, nguyên nhân do thiết kế chiếm 25%, nguyên nhân do thi công chiếm 65% và nguyên nhân do tự nhiên và môi trường chiếm 10% trong tổng số sự cố xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2000-2010.

Để phòng ngừa và giảm thiểu sự cố công trình xây dựng, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan: chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát, chính quyền và cộng đồng. Các biện pháp có thể áp dụng gồm: Nâng cao ý thức và trách nhiệm của các bên trong việc tuân thủ các quy định về an toàn và chất lượng công trình; Tăng cường kiểm tra và giám sát các giai đoạn từ thiết kế đến thi công và nghiệm thu; Thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động cho người lao động và người dân xung quanh; Sử dụng vật liệu và thiết bị chất lượng cao và phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật; Đánh giá rủi ro và lập kế hoạch ứng phó với các tình huống khẩn cấp; Tăng cường thông tin và tuyên truyền cho người dân về các công trình xây dựng và biện pháp phòng ngừa sự cố.

Câu hỏi 10: Nhà xưởng bên công ty sản xuất hàng may mặc, bên em tổ chức kiểm định chất lượng hiện trạng 3 năm 1 lần mỗi lần ra kết quả kiểm định đều ghi: "Khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có cấu kiện ở trạng thái nguy hiểm, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường" kết luận như vậy thì nhà xưởng bên em an toàn hay không an toàn? và đơn vị kiểm định lại không xác định thời hạn tái kiểm định là khi nào, vậy thì bên em phải căn cứ vào đâu để thực hiện kiểm định tiếp theo?

Trả lời: Về nội dung kết quả kiểm định ghi “"Khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có cấu kiện ở trạng thái nguy hiểm, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường" như thế cũng chưa thể hiện được hết nội dung yêu cầu của công việc kiểm định xây dựng nêu tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, mà mới chỉ thể hiện được nội dung về đánh giá an toàn chịu lực của công trình. Với kết luận như vậy, thì có thể hiểu là kết cấu công trình tại thời điểm kiểm định là an toàn. Tuy nhiên, theo Quyết định 681/QĐ-BXD ngày 12/7/2016 thì nên đưa ra kết luận cấp nguy hiểm của công trình và nội dung yêu cầu sửa chữa cấu kiện nguy hiểm.

Việc kiểm định lại nhà xưởng thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Khi công trình hết tuổi thọ thiết kế mà chủ sở hữu công trình có nhu cầu tiếp tục sử dụng;
  • Khi công trình đang khai thác, sử dụng có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn;
  • Kiểm định xây dựng công trình phục vụ công tác bảo trì.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì việc đánh giá an toàn công trình là bắt buộc (quy định tại Điều 17 Thông tư 10/2021/TT-BXD) theo tần suất như sau: a)Thời điểm đánh giá an toàn công trình lần đầu được thực hiện sau thời gian 10 năm kể từ khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật; b) Đối với lần đánh giá tiếp theo, việc đánh giá an toàn công trình được thực hiện theo tần suất 05 năm/Iần.