Society

NET ZERO LÀ GÌ...

VÀ LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC?

Nov. 2 2021

Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta, do đó các chính phủ, chính quyền thành phố và các công ty đang từng ngày đặt ra các mục tiêu về “Net Zero”. Cam kết giảm lượng khí thải Carbon này thể hiện trách nhiệm môi trường và sự cam kết của lãnh đạo. Tuy nhiên, việc đưa ra tuyên bố luôn dễ dàng hơn việc thực hiện và đạt được những thành quả thực tiễn. Bên cạnh đó, sẽ có những sự nhầm lần do có rất nhiều thuật ngữ liên quan.

trung hòa CARBON với "NET ZERO": SỰ KHÁC BIỆT LÀ GÌ?

Biến đổi khí hậu đã thay đổi chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và khái niệm về Trung hòa Carbon cũng vậy. Trung hòa Carbon có nghĩa là để có thể đạt được kết quả không phát thải Carbon cho một công ty, địa điểm, sản phẩm, thương hiệu hoặc sự kiện, đầu tiên cần thực hiện đo lường, rồi giảm lượng khí thải đến mức có thể và sau đó bù đắp lượng khí thải còn lại bằng một lượng khí thải có thể tránh được hoặc tương đương. Điều này có thể đạt được bằng cách mua đủ các khoản tín chỉ bù đắp Carbon để tạo ra sự khác biệt.

Ngược lại, Net Zero là một mục tiêu tham vọng hơn áp dụng cho toàn bộ tổ chức và chuỗi giá trị của tổ chức đó. Điều này có nghĩa sẽ cắt giảm lượng khí thải Carbon gián tiếp từ các nhà cung cấp đầu tiên trong chuỗi giá trị đến người dùng cuối, một sự nỗ lực đáng kể trong một thế giới mà các công ty không kiểm soát hết toàn bộ chuỗi giá trị của họ.

Chi tiết về cách các công ty có thể đóng góp cho mục tiêu toàn cầu về “Không phát thải ròng” (Net zero) đã được xây dựng bởi Science Based Targets initiative (Mục Tiêu Dựa Trên Khoa Học), với các hành động được huy động bởi chiến dịch Race to Zero. Cách tiếp cận đối với lượng khí thải tồn dư cũng khác nhau, với việc chủ động loại bỏ Carbon khỏi khí quyển là điều cần thiết để đạt được mức phát thải ròng bằng không trong dài hạn. Sự bù đắp Carbon có thể chấp nhận được theo một số phương pháp luận để đạt được Trung hòa Carbon lâu dài, nhưng hầu hết các nhà quan sát đồng ý rằng tốt nhất chỉ nên sử dụng như một biện pháp chuyển tiếp ngắn hạn trên lộ trình về “Net Zero”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC "NET ZERO"?

Việc áp dụng rộng rãi mục tiêu “Net Zero” trên toàn thế giới là một yếu tố quan trọng trong hành động vì khí hậu. Thỏa thuận chung Paris tìm cách giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 ° C và theo đuổi các nỗ lực để giữ ở mức 1,5 ° C. Trong khi đó, nghiên cứu đã chỉ ra rằng để tránh những tác động xấu nhất đến khí hậu, lượng khí thải Carbon cần phải giảm một nửa vào năm 2030 và đạt mức không phát thải vào giữa thế kỷ này.

Ở cấp độ quốc gia, việc đạt tới Net Zero đòi hỏi phải giảm mạnh lượng khí thải từ hoạt động kinh doanh thông thường, với việc loại bỏ khí thải Carbon trong khí quyển. Một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Nhật Bản, Anh và Pháp, đã đặt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 và EU đã đặt mục tiêu này vào trọng tâm của Thỏa thuận Xanh Châu Âu.

Với bối cảnh doanh nghiệp, định nghĩa hoạt động của “Net Zero” thường được xem là trạng thái trong đó các hoạt động trong chuỗi giá trị của công ty không gây ra tác động ròng nào đến khí hậu do phát thải Carbon. Điều này liên quan đến việc thiết lập và theo đuổi mục tiêu mức 1,5°C dựa trên cơ sở khoa học về lượng khí thải trên toàn bộ chuỗi giá trị bằng việc loại bỏ vĩnh viễn một lượng khí thải Carbon tương đương ra khỏi khí quyển để trung hòa mọi khí thải khó loại bỏ còn lại (và chỉ những loại khí thải đó).        

THAY ĐỔI QUY MÔ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI

Để thế giới đạt được Net Zero trong khung thời gian mà thỏa thuận Paris chung vạch ra, chính sách, công nghệ và hành vi cần phải thay đổi trên diện rộng. Chẳng hạn, người ta dự đoán rằng năng lượng tái tạo cần chiếm 70-85% điện năng trên thế giới vào năm 2050. Điều quan trọng là chúng ta phải suy nghĩ lại cách chúng ta cung cấp nhiên liệu cho giao thông vận tải và cải thiện hiệu quả sản xuất lương thực. Đầu tư vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió là một yếu tố then chốt, cũng như sự phát triển của các kỹ thuật loại bỏ và hấp thụ khí thải.

Tất nhiên, trong khi giảm phát thải phải là mục tiêu của chúng ta, việc loại bỏ Carbon dioxide hiện vẫn cần thiết trong các lĩnh vực mà việc đạt được mức phát thải bằng không là đặc biệt khó khăn, chẳng hạn như ngành hàng không. Việc loại bỏ có thể đạt được theo một số cách, từ các phương pháp tiếp cận tự nhiên như khôi phục rừng và tăng cường hấp thụ Carbon trong đất đến các giải pháp công nghệ như thu và lưu trữ không khí trực tiếp.

CÔNG TY CẦN LÀM GÌ

Các công ty muốn đạt được mục tiêu không phát thải ròng cần phải thực hiện một cách tiếp cận đa hướng. Họ phải giảm lượng khí thải Carbon từ các hoạt động, quản lý việc cắt giảm trong nội bộ và trong chuỗi cung ứng, đồng thời bù đắp lượng khí thải khó tránh khỏi trong ngắn hạn. Điều này bắt đầu với dữ liệu chính xác: để giảm lượng khí thải, trước tiên cần phải hiểu chúng. Ngoài ra, các công ty có trách nhiệm cần đảm bảo cung cấp báo cáo dữ liệu chính xác, kỹ lưỡng và khách quan để xác nhận một cách minh bạch những thông đó.

Để đi xa hơn trạng thái Trung hòa Carbon và đạt mức không phát thải (Net Zero), các công ty cũng cần mở rộng cách họ nghĩ về Carbon. Nghị định thư về khí nhà kính phân loại khí thải Carbon thành ba phạm vi.

BA PHẠM VI CỦA PHÁT THẢI CARBON

Phạm vi 1: các phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát, bao gồm đốt nhiên liệu tại chỗ như trong nồi hơi khí, phương tiện của đội xe và điều hòa không khí.

Phạm vi 2: các phát thải gián tiếp bao gồm từ việc tạo ra điện, nhiệt, làm mát và hơi nước do tổ chức mua và sử dụng.

Phạm vi 3: tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị của một công ty. Đây là những thứ khó theo dõi và kiểm soát nhất nhưng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát thải của một công ty, bao gồm những thứ liên quan đến các nhà cung cấp đầu chuỗi cung ứng, đi công tác, mua sắm, chất thải và nước cũng như các giai đoạn sử dụng và cuối vòng đời của các sản phẩm và dịch vụ họ sản xuất.

Hầu hết các công ty hiện chỉ xem xét hai phạm vi đầu tiên, nhưng sẽ có nhiều lợi thế khi đo lường lượng khí thải trong phạm vi 3.

Các công ty có thể xác định các điểm nóng phát thải trong chuỗi cung ứng của họ và đánh giá các nhà cung cấp về tính bền vững, xác định hiệu quả năng lượng và cơ hội giảm chi phí, đồng thời tích cực tham gia với các nhà cung cấp và nhân viên để giúp giảm phát thải. Họ cũng có thể tìm cách tác động đến hành vi của khách hàng, hoặc chuẩn bị cho kết thúc vòng đời sản phẩm, chẳng hạn bằng cách làm việc với các nhà bán lẻ và nhà phân phối về các chương trình mua lại.

Do đó, điều quan trọng là để đạt được mục tiêu phát thải bằng không, các công ty có nghĩa vụ phải hiểu và cắt giảm lượng khí thải trên cả ba phạm vi. Điều này thể hiện sự khác biệt quan trọng khác so với Trạng thái trung hòa Carbon: để đạt được Trung hòa Carbon, một công ty chỉ cần quan tâm đến phạm vi 1 và 2; phạm vi 3 được khuyến khích nhưng không bắt buộc.

BUREAU VERITAS CÓ THỂ GIÚP CÁC DOANH NGHIỆP NHƯ THẾ NÀO?

Bureau Veritas hỗ trợ các công ty có trách nhiệm bằng cách cung cấp các dịch vụ đánh giá và thẩm tra các nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi thẩm tra thống kế hay Vết Carbon và báo cáo về tiến độ hướng tới các mục tiêu không phát thải. Chúng tôi cũng thẩm định và thẩm tra các sáng kiến bù đắp và loại bỏ, chứng minh tính hợp pháp của tín chỉ carbon. Các chuyên gia của chúng tôi cũng có thể xác minh các tuyên bố về các hoạt động kinh doanh Trung hòa Carbon, cung cấp xác nhận và chứng nhận của bên thứ ba đối với các tiêu chuẩn khác nhau.

Mục tiêu không phát thải bắt đầu bằng một thông báo và theo đó là những kết quả đạt được. Tuy nhiên, không doanh nghiệp nào nên đánh giá thấp tầm quan trọng của bước thẩm tra bổ sung nếu họ muốn truyền đạt nỗ lực của mình một cách minh bạch và chính xác, từ đó xây dựng lòng tin của các bên liên quan và bảo vệ lợi ích danh tiếng của việc họ đóng góp vào việc hạn chế biến đổi khí hậu.

Lưu ý: Trong suốt bài viết này, chúng tôi sử dụng "Carbon" theo nghĩa là Cụm khí nhà kính mà Nghị định thư Kyoto đưa ra lần đầu tiên [Cụm khí nhà kính (GHG) ở Kyoto bao gồm Carbon dioxide (CO2), Methane (CH4), Nitrous oxide (N2O), hydrofluorocarbon (HFCs), perfluorocarbon (PFCs), Sulfur hexafluoride (SF6)  và Nitrous trifluoride (NF3)]. Các khí nhà kính này thường được tổng hợp và đo bằng tấn Carbon dioxide tương đương (viết tắt là tCO2e ) về khả năng tương đối của chúng trong việc gây ra sự nóng lên của khí quyển.